

Discover more from The Thoughtful Marketer
Scent Marketing (Tiếp thị mùi hương): Mùi hương ảnh hưởng như thế nào tới hành vi khách hàng?
Mùi gắn liền nhất với các phản ứng với cảm xúc và 75% cảm xúc được tạo ra bởi mùi.
Bạn đã bao giờ bước vào một cửa hàng và cảm thấy bị mê hoặc bởi một mùi hương dễ chịu nào đó chưa? Trước lúc bước vào chỉ nghĩ là thăm thú, ngó ngó xem có gì hay không chứ không có ý định mua, nhưng rồi vì cái mùi hương dễ chịu đó, bạn cảm thấy “shop thật dễ thương, như góc nhỏ bình yên giữa lòng Hà Nội hối hả”, và “phải mua gì đó ủng hộ shop mới được.”
Rồi bạn có nhớ mùi cà phê nồng nàn từ một quán cà phê yêu thích mỗi khi đi ngang qua buổi sáng hoặc chiều tối? Hoặc là mùi bánh mỳ nướng giòn tan, phảng phất trong không gian, khiến bạn không thể cưỡng lại mà phải bước vào mua một cái? Rồi mùi của nhiều cửa hàng ở Phố Cổ, dù có đi xa như nào thì mùi đồ ăn quen thuộc ở Hàng Buồm, Hàng Bạc… vẫn không thể nào quên được. Cứ về Việt Nam, cứ ra Hà Nội là phải ghé chút chút.
Nghe có vẻ là điều tự nhiên đúng không? Mùi mà, thơm thì mũi nó tự nhiên bị cuốn theo thôi? Đúng là thế thật, nhưng mùi cũng là một công cụ Marketing độc đáo của nhiều cửa hàng, doanh nghiệp đó. Hôm nay hãy cùng mình tìm hiểu sâu hơn nha.
📍 Scent Marketing 101
Scent Marketing (Tiếp thị mùi hương) là sử dụng mùi hương một cách có chiến lược ở các vị trí nhất định nhằm mục tiêu tạo ra một trải nghiệm mua sắm dễ nhớ, ấn tượng, và thu hút khách hàng, từ đó kích thích khách hàng thực hiện một hành động mong muốn như mua hàng.
Scent Marketing được khai thác rất rộng rãi tại các địa điểm như khách sạn, trung tâm thương mại, quán cafe, shop bán quần áo, đồ lưu niệm… Ở đó, cùng với sản phẩm, trang trí, đồng phục nhân viên, ánh sáng, nghệ thuật, nhiệt độ, âm nhạc, và cả mùi hương nữa, tất cả tạo nên một trải nghiệm mua sắm và trải nghiệm thương hiệu toàn diện.
🧐 Tâm lý học về mùi hương
Đầu tiên, mùi là một trong những giác quan cổ xưa và sâu rộng nhất của chúng ta, đóng vai trò như một hệ thống cảnh báo hóa học. Nó được lập trình để nhận biết liệu những thứ xung quanh có lợi hay gây nguy hại. Khi một người ngửi một mùi nào đó, các cơ quan mùi tạo ra một phản ứng tức thì, có tính chất bản năng. Theo các nhà nghiên cứu, đối với tất cả các giác quan khác, chúng ta suy nghĩ trước khi phản ứng. Riêng với mùi, bộ não chúng ta phản ứng trước khi suy nghĩ.
Khi bạn hít một hơi sâu từ tách cà phê buổi sáng, mùi hương của những hạt cà phê rang tươi mà bạn cảm nhận nhanh chóng chạy vào các phần của bộ não chịu trách nhiệm cho việc xử lý cảm xúc và ký ức. Não bộ sẽ tự động gắn liền nó với những kỷ niệm, cảm xúc và trải nghiệm mà bạn đã từng có. Đó chính là lý do mà mỗi lần ngửi thấy mùi cà phê, nhiều người lại nghĩ về những buổi sáng yên bình.
Mùi có kết nối trực tiếp với hệ thống limbic trong não là hệ thống có nhiệm vụ kiểm soát cảm xúc và hành vi của con người. Mùi gắn liền nhất với các phản ứng với cảm xúc và 75% cảm xúc được tạo ra bởi mùi.
Và quan trọng hơn, mùi hương còn có khả năng tác động đến hành vi mua sắm. Một không gian thoáng đãng, dễ chịu và thơm mát sẽ giúp khách hàng cảm thấy thoải mái hơn, dễ dàng lưu lại lâu hơn và cuối cùng là tăng khả năng họ sẽ mua sắm.
💡 Mùi được dùng như nào trong Marketing?
Để hiểu mùi được dùng như nào thì có 3 thuật ngữ quan trọng bạn cần biết: Ambient smell (mùi tự nhiên), Product smell (mùi sản phẩm) và Marketer smell (mùi tiếp thị).
Mùi tự nhiên (Ambient smell): Là mùi hương tự nhiên hiện diện trong một môi trường hoặc không gian cụ thể, không phải do những can thiệp hoặc thay đổi từ phía những người tổ chức. Ví dụ, mùi của biển tại một resort ven biển hoặc mùi của cỏ tươi trong một công viên.
Mùi sản phẩm (Product smell): Là mùi hương đặc trưng của một sản phẩm cụ thể, thường xuất hiện khi người tiêu dùng sử dụng hoặc mở sản phẩm. Ví dụ, mùi của xà phòng, nước hoa, hay thậm chí là mùi của một chiếc áo mới.
Mùi tiếp thị (Marketer smell): Đây là mùi hương được thiết kế hoặc chọn lựa cẩn thận bởi các Marketer để tạo ra một ấn tượng, kích thích mua sắm, hoặc mang đến một trải nghiệm cụ thể cho khách hàng. Mục tiêu của mùi này có thể là để liên kết một mùi hương cụ thể với một thương hiệu, sản phẩm, hoặc không gian bán hàng. Ví dụ, các cửa hàng thời trang cao cấp thường có một mùi hương đặc trưng — khi bạn bước vào, mùi hương đó giúp tạo ra một cảm giác sang trọng và đẳng cấp. Hoặc một số nhãn hiệu xe hơi sẽ tạo ra một mùi hương đặc biệt cho nội thất xe của họ, nhằm tạo ra trải nghiệm lái xe độc đáo và thuộc về thương hiệu đó.
Công ty mình đang làm (Bohemian Traders) là công ty thời trang nên cũng tận dụng tối đa lợi ích của Scent Marketing. Hai boutique của công ty không chỉ là nơi trưng bày và bán sản phẩm, mà còn là nơi mà khách hàng có thể đắm chìm trong không gian thơm ngát từ các hương liệu tự nhiên.
Hoa quả và thảo dược giúp cho hai boutique trở thành một không gian thân thiện, dễ chịu. Không chỉ thế, bọn mình cũng chọn những mùi hương cao cấp, phản ánh chất lượng và giá trị của các thiết kế. Mỗi lần khách hàng bước vào, họ không chỉ được chiêm ngưỡng những thiết kế thời trang đẹp nhất, mà còn được trải nghiệm một bầu không khí "luxury", một cảm giác sang trọng và đẳng cấp.
Bên cạnh việc sử dụng hương liệu tự nhiên, bọn mình cũng dùng nến thơm và đèn xông tinh dầu để không gian luôn mới mẻ, đổi thay theo từng mùa, từng bộ sưu tập. Nhờ vậy, mỗi lần khách hàng ghé thăm, họ đều có cơ hội được trải nghiệm một không gian thơm ngát mới lạ.
Tuy nhiên, việc sử dụng Scent Marketing cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Một mùi hương phù hợp với một người có thể không thích hợp với người khác. Do đó, việc chọn lựa mùi hương đòi hỏi sự nhạy bén, sáng tạo và phải phù hợp với đối tượng mục tiêu.
Hy vọng bài viết hôm nay mang đến cho bạn điều thú vị nhé.
Happy learning ❤️
Các nghiên cứu hữu ích nếu bạn muốn đọc thêm về Scent Marketing: