

Discover more from The Thoughtful Marketer
Làm việc Digital Marketing với nước ngoài: Là ước mơ hay mục tiêu của bạn?
Mục tiêu sẽ tạo động lực cho bạn và sức ép cho bạn phải đạt được. Còn ước mơ thì lắm khi chỉ là ước mơ mà thôi.
Liệu bạn có thực sự muốn dấn thân vào digital marketing và làm việc với nước ngoài? Nếu có thì hãy thật sự nhiệt huyết và bám đuổi mục tiêu này. Đây sẽ là mục tiêu của bạn, chứ không còn là ước mơ nữa. Mục tiêu sẽ tạo động lực cho bạn và sức ép cho bạn phải đạt được. Còn ước mơ thì lắm khi chỉ là ước mơ mà thôi. Nếu chỉ nghĩ nó là ước mơ, bạn sẽ không cảm thấy muốn cố gắng lắm. Vì nó là ước và mơ mà.
Là người bước vào lĩnh vực digital marketing gần như không biết gì ngoài viết content, mình biết là sẽ vô cùng thử thách với những ai tay ngang nhảy vào digital. Cảm giác như đang ngụp lặn trong một biển kiến thức vậy. Đọc chỗ nào cũng thấy hay. Đọc chỗ nào cũng thấy cần phải học. Rồi nhiều thuật ngữ tiếng Anh không hiểu. Chưa kể nếu mà tiếng Anh không được tốt lắm thì còn gặp nhiều trở ngại nữa.
Cũng có bạn chia sẻ với mình là em có làm marketing một thời gian rồi (một năm hoặc vài năm), nhưng cảm thấy kỹ năng chuyên môn của bản thân không lên được nhiều. Vẫn chỉ biết sơ sơ bề mặt mà không đi được sâu. Bạn cũng gặp khó khăn với việc làm thế nào để bản thân có thể nhạy bén hơn với sự thay đổi chóng mặt của digital rồi có thời gian để cập nhật tất cả — trong khi vẫn chăm sóc được gia đình.
Có một sự thật với những ai đang làm digital marketing đó là nghề này đòi hỏi bạn phải năng động. Năng động ở đây không có nghĩa là phải chạy nhảy bên ngoài, đi gặp hết người này người kia, hay giao tiếp giỏi… Không phải thế. Năng động ở đây ý mình là bạn linh hoạt, nhạy bén, chủ động trong công việc. Bạn đam mê với công việc, bạn thực sự hứng thú với nó.
Nay mình sẽ chia sẻ cho bạn vài tip mà mình đã rút ra được sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực digital. Đây cũng là những kinh nghiệm hữu ích với mình trong việc rèn luyện cách tư duy digital, trở nên năng động hơn và thúc đẩy kỹ năng nghề nghiệp.
1. Luôn luôn “ghim” trong đầu bạn đang làm digital marketing
Cái này cực kỳ quan trọng. Vì sao? Vì nó thể hiện sự nghiêm túc và cam kết của bạn.
Mình đã từng nói chuyện với vài bạn mong muốn bước vào nghề digital hoặc đang làm digital rồi, và mình cảm thấy các bạn ấy kiểu “nửa nạc nửa mỡ.”
“Em đang viết content SEO, nhưng em muốn tìm job về digital, em muốn mở rộng skill, với làm cho nước ngoài.” Nhưng khi hỏi bạn đang thực hiện những gì để nâng cấp bản thân thì lại “em chưa làm gì.”
“Em làm digital marketing được hơn 2 năm rồi và giờ em muốn tìm cv ở nước ngoài, làm remote.” Mình có đề xuất với bạn một số tip để xây dựng cơ hội thì bạn đưa ra rất nhiều lý do, “em bận quá,” “con nhỏ”, “cuối tuần em hay đi phượt,” “LinkedIn em có thấy bạn bè em dùng đâu,”… rất nhiều những excuse mà mình nghe xong, mình cũng “stuck” luôn không biết khuyên gì.
Nếu bạn thực sự muốn trở thành một Digital Marketer, Digital Marketing Specialist, Ecommerce Marketer, Email Specialist, Copywriter… làm việc với các brand nước ngoài và có thu nhập, chế độ hấp dẫn thì lời khuyên của mình là:
Cam kết và nghiêm túc với nó — ngay bây giờ, ngay giây phút này. Luôn luôn nhắc nhở bản thân You want to become a marketer. You will be. Act as you’re a marketer. Surround yourself with like-minded marketers. On LinkedIn. Instagram. Facebook. Whatever platform you like. Ask questions. Share. Observe. Read. Listen. Bủa vây bạn với các marketer khác. Tương tác với họ. Đặt câu hỏi. Chia sẻ cái bạn học được. Quan sát thật nhiều. Đọc thật nhiều. Nghe thật nhiều. Tìm cách để có cơ hội được thử nghiệm với cái bạn đã tích luỹ được.
2. Nghe, nghe, nghe và take note
Nhà mình hiện tại cách chỗ làm 30 phút đi xe bus. Mọi người nhìn mình kiểu cứ tấm tắc bảo mình đi làm xa rồi nghĩ có lẽ mình vất vả. Tuy nhiên, mình lại thực sự rất thích việc đi làm xe bus mỗi sáng. Biết vì sao không? Vì thời gian trên xe bus chính là lúc để mình được nghe các podcast và take note.
Chẳng hạn như dưới đây. Hôm qua trên xe bus mình nghe một podcast về Google Ads. Mình ghi chú lia lịa những gì hữu ích với mình. Không cần theo thứ tự gì đặc biệt cả, không cần phải cầu kỳ về trình bày, cứ tự do ghi chép lại những gì khiến bạn tò mò và muốn đào sâu hơn. Mình luôn mang theo cuốn sổ này trong túi.
Bạn có biết là khi mới dấn sâu vào làm digital cho nước ngoài, mình cũng như bạn bây giờ. Các thuật ngữ về ecommerce, rồi performance, metric, tính toán — mỗi lần nghe đều như vịt nghe sấm, ong hết cả đầu, hoang mang cực độ.
Nhưng bạn biết vì sao mà mình bây giờ nghe marketing podcast quá dễ không? Đó là bởi vì mình không từ bỏ việc nghe. Thuật ngữ nào không hiểu thì mình Google. Hiểu rồi thì lại kiên trì nghe podcast. Nghe ngày này đến ngày khác, cứ nghe, cứ enjoy. Mình đảm bảo 100% với bạn làm vậy 1 tháng bạn sẽ thấy tư duy marketing và khả năng nghe tiếng Anh của bạn khác hẳn.
3. Bookmark ý tưởng mọi lúc mọi nơi
Mình không biết các bạn như nào nhưng cá nhân mình cực kỳ thích tính năng Save trên LinkedIn, Bookmark của Instagram và Bookmark của Twitter.
Mỗi lần cứ gặp bài chia sẻ hay hoặc các idea mà mình nghĩ hữu ích là mình sẽ lưu lại hết, kiểu như thế này trên LinkedIn…
… hoặc như thế này trên Twitter,
… hoặc như thế này trên Instagram.
4. Thực hành
Nếu bạn đang đi làm ở một công ty thì cơ hội để thử nghiệm cái bạn học được không phải nói rồi.
Còn nếu như chưa có điều kiện này thì sao? Không sao, luôn có cách để tự học digital:
Tạo một fanpage trên Facebook rồi viết lách và chia sẻ lên đó.
Vì sao là page? Vì nó sẽ giúp bạn theo dõi được các chỉ số như là lượt xem, lượt đọc, share, tương tác ra sao… lại còn có follower nữa. Chăm viết, chăm mày mò các chỉ số trên Facebook Insight/Meta Business Suite một thời gian là vỡ ra đủ thứ.
Nếu muốn chuyên nghiệp hơn thì lập một website cá nhân để xuất bản content.
Website này có thể là blog tự sự của bạn, chia sẻ hành trình bạn học được gì, chiêm nghiệm cá nhân. Hoặc có thể chọn một lĩnh vực bạn quan tâm và viết về nó — bất cứ thứ gì.
Ở dạng này, với mỗi bài viết, hãy học cách viết nội dung chất lượng có chứa các từ khoá dựa trên ý định tìm kiếm của người dùng. Theo dõi hoạt động của website đều đặn để biết là traffic như nào, lượt view, chia sẻ, bình luận. Tự mày mò kết nối website với Google Analytics cũng là cái hay. Mấy thứ này bạn chịu khó tìm tòi là học được hết.
Mở một tài khoản Instagram hoặc TikTok rồi làm content chia sẻ lên các kênh này.
Instagram thiên về hình ảnh, TikTok thì thiên về video. Mỗi cái có những cái hay riêng cho bạn nhiều cơ hội sáng tạo. Đặt mục tiêu thời gian đầu mỗi ngày 1 post, follow người khác, bình luận có ý nghĩa vào bài viết của họ, thử nghiệm với các loại content… Chỉ sau 1 tháng mà đều đặn làm như này là bạn sẽ thấy mình học được khối thứ.
Mình follow nhiều bạn trẻ trên Instagram cá nhân và thấy các bạn quá siêu luôn. Cực kỳ thông minh trong những nội dung mà các bạn tạo ra, rất biết cách làm kênh, và cách tư duy cũng hết sức hiện đại. Mà các bạn còn chưa ra trường nhé. Nhìn là biết skill về social media marketing ở level nào rồi.
Người ta trẻ làm được, bạn cũng trẻ — chắc chắn cũng làm được.
Những ý tưởng tích lũy kỹ năng digital này không hề khó để bắt đầu. Cái khó là sự kiên trì, nhẫn nại. Vừa học vừa hành. Vừa coi cách người khác làm, vừa rút ra cái mà mình có thể tham khảo và thử nghiệm những gì đã tích góp được. Đấy là cách học digital marketing thực chiến, hiệu quả mà không hề khô khan.
5. Share và exchange ideas
Một khi đã làm mấy cái trên, bạn sẽ học được nhiều cái hay. Cái sai lầm có, cái thành công cũng sẽ có. Đừng ngần ngại chia sẻ chúng với người khác.
Để lại comment trên LinkedIn, Twitter hay Instagram là một cách tốt để trao đổi ý tưởng với những người cùng làm digital như bạn. Một khi bạn comment là bạn đã tự tin hơn một chút và dũng cảm hơn một chút rồi.
Mình luôn cố gắng dành thời gian tương tác với post của những người mà mình follow. Cực kỳ thích hoạt động này vì nó tạo động lực cho mình suy nghĩ thoughtful, cẩn thận hơn, và rõ ràng hơn khi trình bày ý tưởng. Bạn share một bài post chưa chắc người ta đã đọc. Nhưng bạn comment vào bài một người khác, chắc chắn ít nhất đã có một người đọc.
Final Thought
Mình luôn có suy nghĩ rằng nếu muốn nhìn thấy kết quả tốt thì phải làm những điều người khác không dám làm, không muốn làm hoặc không sẵn sàng làm.
Điều này cũng áp dụng được trong marketing, nếu bạn muốn nhìn thấy kết quả tốt và khác, bạn phải thực sự challenge bản thân, phải nghĩ xa ra vượt qua những con số, những cái mà bạn nhìn thấy trước màn hình, và phải sẵn sàng thực hiện các thử nghiệm — dù kết quả không có như ý muốn thì ít ra bạn cũng học được bài học để rút kinh nghiệm và đi tiếp với các giả thuyết mới.
Đó là lý do vì sao tư duy về marketing rất quan trọng. Tư duy, cách tiếp cận, góc nhìn là cái khởi đầu, còn nếu bắt đầu marketing bằng việc đơn thuần chỉ follow cái người ta nói là hiệu quả, rồi cứ gắng tìm kiếm những chiến thuật, mẹo, hack để làm marketing, mong muốn overnight success thì không thể nào mà làm marketing đúng đắn được.
Nhiều người có thể biết cách làm cho một tài khoản Instagram từ chỗ chỉ có 10 follower lên 1000 follower trong một tháng nhưng chưa chắc đã hiểu được cái nền, đã hiểu được vì sao người ta bỗng nhiên lại follow mình và điều gì trigger người khác làm như vậy.
Nhiều người có thể biết cách chạy một quảng cáo Facebook, biết cách thiết lập ngân sách rồi thấy đơn hàng đi vào website nhưng chưa chắc đã hiểu được điều gì khiến cho cái quảng cáo đó đã work hoặc không work.
Chia sẻ với mình digital marketing và làm việc với nước ngoài là mục tiêu hay ước mơ của bạn?
Làm việc Digital Marketing với nước ngoài: Là ước mơ hay mục tiêu của bạn?
Chăm chỉ + kế hoạch rõ ràng = mục tiêu sẽ đạt được 😊