

Discover more from The Thoughtful Marketer
Vì sao mình luôn đọc thành tiếng khi chỉnh sửa bài viết tiếng Anh?
Mình luôn làm điều này bất cứ lúc nào cần gửi thứ gì đó đi dù qua email hay tin nhắn cho sếp, cho người khác.
Vì sao mình luôn đọc to khi chỉnh sửa bài viết tiếng Anh hay bất cứ lúc nào cần gửi thứ gì đó đi dù qua email hay tin nhắn cho sếp, cho người khác?
Trong phần How to Write Great Content của khoá học Get Paid to Write, mình có đưa ra một tip đó là đọc to khi chỉnh sửa bài viết. Mình áp dụng bí quyết này rất thường xuyên, kể cả khi viết email gửi sếp, gửi bạn bè hay bất cứ người nào khác. Trong giới Content Writer, Marketer và Business mình tham gia, bí quyết này được áp dụng cực kỳ rộng rãi.
Lý do nên đọc to khi chỉnh sửa nội dung/bài viết
Khi bạn đọc to cái mình đã viết hay nghe một người khác đọc nội dung của bạn thì bộ não của bạn sẽ tiếp nhận thông tin đó theo một cách mới. Nó khá là khác với cách mà bạn đọc thầm hay chỉ nhìn vào bài đã viết và lướt bằng mắt (đọc không thành tiếng). Cứ thử một vài lần và bạn sẽ thấy khi đọc to lên, bạn sẽ phát hiện ra những lỗi mà có thể khi không đọc thành tiếng bạn không nhìn thấy được.
Giả dụ bạn đang nghe một người chia sẻ về cách học tiếng Anh. Khi nghe, chúng ta cần thông tin được trình bày theo một thứ tự nhất định để cảm thấy nó có ý nghĩa. Khi người nói sử dụng các từ “bây giờ”, “tiếp theo”, “hơn nữa…”, chúng ta biết là họ đang chuyển đoạn hoặc đề cập tới cái mới. Nếu như thông tin mà bị rối hay được nói theo cách không có thứ tự và người đó lại nói liên tục, chúng ta sẽ thấy bị cuống, không hiểu họ đang nói gì, não chúng ta không phân tích kịp để xử lý thông tin. Chúng ta không thể quay trở lại cái vừa được nói như kiểu đọc trên giấy được vì người đối diện đã nói đến phần khác rồi. Đó là lý do vì sao khi tự bạn đọc to lên hoặc nghe người khác đọc, bạn sẽ dễ nhận ra ý bị gián đoạn, thiếu logic.
Khi đọc to lên, bạn cũng sẽ dễ phát hiện ra từ nào mình viết sai chính tả, sai ngữ pháp. Từ kinh nghiệm của mình, khi chỉ đọc thầm và nhìn vào bài viết, mình thường bị bỏ sót các lỗi spelling cơ bản. Nhưng đọc to lên, mình lại nhìn ra ngay lập tức. Vì từ nào mà khó đọc là biết ngay, khả năng cao là sai chính tả. Rồi đọc to lên còn giúp mình nhận ra (1) các câu quá dài, đọc “đứt hơi” luôn > mình sửa đi cho ngắn lại; (2) các từ bị lặp, không cần thiết > mình loại bỏ chúng hoặc tìm từ thay thế; (3) giọng điệu bài viết quá trịnh trọng (formal) hay quá tự nhiên (casual) > điều chỉnh để phù hợp với đối tượng người đọc.
Kỹ thuật đọc to để chỉnh sửa nội dung
Vậy là chỉ cần đọc to lên là được? Không đơn giản vậy. Cái gì cũng cần phải có kỹ thuật bài bản. Hơn nữa, hiệu quả như nào phụ thuộc vào cách bạn đọc. Đọc quá nhanh hay quá chậm đều dễ khiến bạn bỏ sót các lỗi. Đôi khi bộ não có thể “tự động làm mượt mà” các câu, chẳng hạn tự “điền vào” những từ thiếu và chỉnh sửa nhỏ mà bạn không hề nhận thức được (cứ thử đọc một đoạn nào đó lên và bạn sẽ thấy lắm khi bài viết không có từ “những” nhưng bạn cũng đọc nó lên, hay không có a/an/the mà bạn vẫn đọc lên được). Để tận dụng kỹ năng đọc to khi chỉnh sửa nội dung, bạn cần phải đọc chính xác cái mà bạn đã viết, không thêm không bớt.
Dưới đây là vài tip đọc to để chỉnh sửa nội dung mà mình thường áp dụng nhé:
1️⃣ In nội dung bạn đã viết ra. Nhờ vậy bạn có thể đánh dấu, highlight chỗ nào mà “có vẻ không hợp lý lắm” để xem lại sau đó.
2️⃣ Khi đọc, hãy dùng ngón tay hoặc bút dò theo từng từ trên trang. Việc này giúp bạn tập trung hơn và không bỏ sót bất cứ điều gì.
3️⃣ Cố gắng đọc với một tốc độ vừa phải, tự nhiên. Đừng đọc quá nhanh, đừng đọc quá chậm, đừng đọc quá điệu đà.
4️⃣ Sau khi đã đọc to và sửa xong một lượt, hãy tiếp tục đọc to từng câu bắt đầu từ cuối bài và làm ngược trở lại đến đầu bài. Phương pháp này giúp bạn tập trung vào cấu trúc của từng câu, thay vì chú ý vào toàn bộ dòng suy nghĩ hay lập luận của bài.
5️⃣ Nhờ một người khác đọc to bài viết của bạn và bạn nghe họ đọc. Cách này khá thú vị nha, bạn sẽ rất dễ nhận ra chỗ nào bạn đang viết chưa được.
Nghe có vẻ phức tạp và mất thời gian nhỉ? Nếu bạn mới bắt đầu thử phương pháp này thì nó sẽ tốn sức chút. Nhưng khi đã quen rồi thì nó khá là nhanh. Dẫu vậy, cho dù nhanh hay chậm thì việc chỉnh sửa những gì đã viết thật cẩn thận trước khi gửi đi cho khách hàng, gửi email cho sếp, cho đối tác, cho những người quan trọng đều là điều vô cùng cần thiết. Điều này đảm bảo nội dung bạn sẽ gửi đi không có sự sai sót đáng tiếc và nó cũng thể hiện bạn là người cẩn trọng, attention to detail, chuyên nghiệp, và đáng tin cậy.
Bạn có thấy tip này hữu ích không? Nếu có thì cho mình biết nhé, mình sẽ dần dần chia sẻ những kỹ thuật làm việc hiệu quả mà mình đã rèn luyện được.
Lưu ý: Ở đây mình nói đọc to không có nghĩa là đọc thật to như hét lên nhá. ;)) Đọc thành tiếng với âm lượng vừa phải nha, đặc biệt khi ở văn phòng để tránh ảnh hưởng đồng nghiệp.
Happy learning ❤️